Thứ hai, 6/10/2008, 11:13 GMT+7Đằng sau những giảng đường đại học là đời sống của những sinh viên trong các khu kí túc xá với nhiều niềm vui. Song cũng có những trở ngại mà sinh viên phải chịu đựng. Trong đó có những khó khăn do chính sinh viên tự gây ra. Đó là những chuyện buồn không muốn kể mà chúng tôi sẽ giới thiệu trong loạt bài này...
Từ những “chuyến buôn” đêm...4 giường tầng, 8 nữ, phòng 405, nhà A - Kí túc xá (KTX) một trường ĐH ở Thanh Xuân tỏ ra đặc biệt “đoàn kết”. Đứa học sáng, đứa học chiều, cả phòng chỉ tụ họp từ lúc 20h, sau giờ cơm tối. Có bao nhiêu chuyện trong một ngày được “tua” lại một cách sinh động nhất bằng đủ thứ giọng Bắc, Trung, Nam. Nguyễn Thu Vân, sinh viên năm nhất ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Bọn mình chưa quen nhau, mỗi đứa một quê, mỗi đứa một ngành học, nên chuyện gì cũng muốn hỏi: Quê nhà cậu có cái gì hay? Trường cấp ba của cậu thế nào? Thời khóa biểu kì này của lớp cậu ra sao, thầy cô thân thiện không? Con bé lớp trưởng/ bí thư “lâm thời” có năng động, được việc không, có “bà la sát” không?...”Học được một vài tháng, thân nhau hơn thì lại càng “buôn” không hết chuyện. Ngày rỗi rãi thì chuyện tình yêu tình báo: Thằng B. bên Sân khấu điện ảnh đang “cưa” con bé lớp Biên dịch Tiếng Anh nhé! Thứ bảy vừa rồi chàng đến chơi, mà nàng “cành cao” không ra đón, hắn “trồng cây si” cả tiếng đồng hồ dưới cổng kí túc luôn!” Rồi chuyện mua sắm, ăn uống, văn nghệ: chợ sinh viên này, siêu thị kia có nhiều đồ hay, hàng chè trên phố nào “được” nhất; Hoàng Hải sắp biểu diễn ở trường nào…
Mùa thi, cả phòng vắt chân lên cổ đua nước rút. Nhưng không vì thế mà các nàng ngừng “buôn”. Mày làm đề cương đến đâu rồi? Mỗi đứa chuẩn bị một môn rồi phô tô ra nhé? Có câu hỏi ôn tập chưa? Làm tiểu luận thế nào?... Cùng một khu nhà trong kí túc, các phòng cạnh nhau thường có mối quan hệ láng giềng thân mật, nên “ngày nào không tạt sang phòng bên lê la một chút là bứt rứt không yên!” – Quỳnh, KTX Kinh tế quốc dân nói. Nhất là phòng nào hợp “cạ” với nhau thì các chuyến “buôn” dường như bất tận. “Đã ở KTX, chẳng có chuyện gì là bí mật cả!” - Quỳnh nói.
Nổ như ngô rang hồi đầu tối, giảm dần “volume” lúc về khuya, và rủ rỉ tới 2-3h sáng, đến khi không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ nữa mới chịu thôi. Mai Phượng ở KTX ĐH Ngoại ngữ (ĐH QGHN) không quen thức khuya, lại học ca sáng nên thường đi ngủ sớm nhất cả phòng. Phượng bảo: “Mấy đứa cùng phòng mình học chiều còn cả buổi sáng để ngủ bù, nên chúng nó “buôn” quên giờ giấc là chuyện thường!”
“Ở tập thể, toàn sinh viên với nhau, không buôn sao được. Với lại, đã buôn là lãi, ai mà chẳng thích!” - Phương Anh – ĐH Lao động xã hội khẳng định chắc chắn. Theo Phương Anh, qua câu chuyện của những người bạn từ các vùng quê khác nhau, cô biết thêm được nhiều điều: vùng này tập quán, lối sống ra sao, vùng kia có đặc sản gì… coi như du lịch tại chỗ. Rồi thông tin về học hành thi cử cũng cập nhật nhanh, đầy đủ hơn mấy bạn ở ngoài xóm trọ. Ai có “mẹo” học tập hay cũng sẵn sàng chia sẻ. Nhờ vậy mà bạn bè thân nhau hơn. “Mỗi tội… lên lớp hay ngủ gật!” – Phương Anh nói.
... đến “Con ma” trong kí túc
Kho chuyện không bao giờ cạn, nhưng thỉnh thoảng, các nàng thuê đĩa phim về… đổi món. Hoạt hình, tâm lí xã hội, phim hành động… đủ cả. Song món khoái khẩu nhất của nhiều phòng nữ trong KTX vẫn là các truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn như “
Dốc đứng”, “Cõi đêm”, “Cây trứng cá”… “Chuyện ma trong KTX đại học CN” do một ét - vê nghịch ngợm có nick name là Bright Chen thiết kế dưới dạng các slides trình chiếu từng là hàng “hot” được giới sinh viên nô nức truyền tai nhau. “
Hôm mình mới cop được chuyện này, cả phòng hí hửng rủ nhau tắt điện xem. Đến đoạn cái mặt trắng bệch, đôi mắt đỏ ngầu thình lình hiện ra choán hết màn hình, cả bọn thót tim, hét ầm ĩ. Mấy phòng bên cạnh tưởng có chuyện gì, hộc tốc chạy sang. Được một trận cười vỡ bụng!” - Vân Anh, sinh viên khoa Thanh nhạc năm thứ hai kể lại. Nhưng sau đó, chuyện đến tai Ban quản lí Kí túc, các nàng bị mấy bác bảo vệ quạt cho một trận ra trò, suýt bị lập biên bản.
Để tránh phiền toái cho mọi người xung quanh, phòng của Hồng Hạnh – ĐH Luật Hà Nội chọn loại truyện nhẹ “
đô” hơn, không tới mức phải la hét, đó là nghe đĩa. Tắt hết điện, trùm chăn kín mít, nhắm mắt hình dung câu chuyện theo lời kể… “Trời, cảm giác đó hay lắm, run bắn mà vẫn… thích, lạ thế chứ! Thậm chí, nghe nhiều thành… nghiện!” - Hồng Hạnh tủm tỉm cười. Theo Hạnh, đó là một hình thức giải trí vô hại.
Nhưng với Phạm Thu Huyền, ĐH Lao động xã hội, sự khác biệt về sở thích đó chính là nỗi khổ tâm bấy lâu nay. Huyền tâm sự: “
Có hôm các bạn cùng phòng xem phim ma hoặc nói chuyện khuya quá, mình học không được, ngủ không xong, sáng hôm sau lên lớp mệt phờ!”. Nhưng bởi cả phòng chỉ có mình Huyền “lập dị”, nên muốn góp ý với các bạn cũng khó, Huyền đành chiều theo ý số đông. “Nếu không thích nghi được, chắc một thời gian nữa mình kiếm phòng trọ ở ngoài, chấp nhận tốn kém để học hành cho nề nếp. Cứ đến mùa thi mới học, mình e là không ổn…” - Huyền thở dài.
Với Lê Thị Lài, sinh viên năm nhất, ngành Quản lý xã hội, khó khăn lắm mới được ở KTX, nên dù không hài lòng, Lài cũng đành tìm cách thích nghi. Lài bộc bạch: “
Ban đầu mình cũng hơi khó chịu khi thấy mọi người nói chuyện phiếm quá nhiều. Nhưng trong kí túc mà không hòa đồng thì khó ở lắm. Vậy nên mình cố gắng tập cho quen với nếp sống ở đây, tranh thủ học trên thư viện được chữ nào hay chữ ấy, còn tối thì… buộc phải xả hơi thôi!”